• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chương 1: Tiểu thư ương bướng.

Độ dài 2,298 từ - Lần cập nhật cuối: 2022-06-09 08:45:13

Một điều ước quá sức với thời đại này vẫn luẩn quẩn trong đầu tôi:

“Ước được làm lại từ đầu.”

Và khi tôi biết trong mắt họ tôi chẳng là gì.

Tôi chỉ ước ngay từ đầu mình đừng sinh ra là con gái.

Đơn giản chỉ là một cách trốn chạy nhưng vẫn tốt hơn bây giờ.

Nếu được sinh ra một lần nữa, tôi sẽ là đàn ông để không phải đau khổ vì bất cứ một người đàn ông nào.”

Sinh ra trong một gia đình khá giả trong kinh thành, cha là thương nhân, tôi từ bé đã được bao bọc trong nhung lụa, ngày ngày làm theo những cung cách của một tiểu thư. Dù xuất thân thường dân nhưng nhờ tiền bạc, chẳng mấy chốc cả gia đình tôi được đề vào hàng danh giá nhất kinh thành. Cái danh thiên kim tiểu thư cũng từ đó mà nên.

Những tưởng người đời sẽ nhìn gia tộc mình bằng con mắt ngưỡng mộ, thèm thuồng lắm, nhưng đối với một thiên kim tiểu thư chẳng bao giờ được ra ngoài thì cái danh hão đó trong con mắt tôi cũng chỉ yên vị trong trí tưởng tượng.

Tôi vẫn luôn tò mò về thế giới vô tận bên ngoài bức tường, và nghĩ nhiều về nó trong một thời gian khá dài. Cho đến khi nhận thức được sự thật rằng thế giới ấy quá xa xôi, tôi đã cố ép mình không nhớ tới nữa và chấp nhận cuộc sống trong bốn bức tường rộng lớn mà cha xây nên.

Nhưng thỉnh thoảng mẹ vẫn kể cho tôi nghe những câu chuyện phía bên ngoài đó, với những thứ đáng sợ vẫn luôn hiện hữu là nghèo đói, khổ cực, móc túi, trộm cắp... Tôi cảm thấy mình thật may mắn so với những người không có cơm ăn, áo mặc ấy chỉ cách tôi một bức tường. Một đứa trẻ như tôi sẽ chẳng thể nào hiểu được làm thế nào cha có thể gây dựng cả một sự nghiệp để bước chân vào giới quý tộc, cho tôi ăn ngon mặc đẹp như bây giờ.

Có điều dòng máu dân đen chảy trong huyết quản mạnh hơn tôi tưởng, từ nhỏ tôi đã bướng bỉnh và thích phản kháng. Khác với tỷ tỷ, tôi hay làm trái ý cha.

Bao lần vì quá tò mò, tôi lén lút trốn ra ngoài chơi, nhưng không quá hai canh giờ liền bị bắt về. Cha càng phẫn nộ, càng phạt thì con nhóc là tôi lại càng hứng chí trốn đi chơi tiếp. Một khi đã muốn, chẳng có ai can ngăn nổi tôi.

Mỗi khi cha ngồi thuyết giáo cho hai tỷ muội mà nhắc đến tám chữ “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” là tôi lại tặc lưỡi, chép miệng làm bộ mặt ngán ngẩm rồi bị phạt quỳ giơ hai tay, hết lần này đến lần khác. Cả tỷ tỷ cũng bị phạt theo vì tội không bảo ban được muội muội.

…………..

Bốn người gia đình tôi ngồi ăn cơm, trông ai cũng sang trọng, khoan thai ăn trừ tôi ra. Mẹ trách tôi:

“Điệp. Ăn từ tốn thôi!”

Tôi bĩu môi, Ngọc lộ tỷ mỉm cười gắp thức ăn cho tôi.

Cha nhìn tôi, tỏ ý không vừa lòng. “Nhìn chị gái rồi xem lại mình đi Điệp! Con gái con đứa mà cư xử cũng như đàn ông. Sau này ai thèm rước!”

Tôi ngán ngẩm đáp. “Vậy con sẽ ở nhà với mẹ cả đời. Lấy chồng có gì vui chứ?”

Mẹ lườm tôi, nói. “Gớm, ai thèm giữ cô ở nhà này!”

Cha cười trừ. “Có khi nào lấy chồng xong là nó sẽ thay đổi không? Cứ ở nhà thế này không dạy bảo được đâu!”

Mẹ gật đầu đồng tình

“Đúng đó lão gia! Phải về nhà chồng mới rèn giũa được.”

Tôi bực bội, không nuốt trôi cơm nữa. Lúc nào cha mẹ cũng nhắc đến chuyện thành thân sau này để răn đe tôi.

Nhưng tôi thà bị phạt còn hơn nghe mấy giáo lý bất công trọng nam khinh nữ trong sách vở đó. Tất cả toàn những điều nói về quyền lợi của đàn ông còn phụ nữ luôn phải khép nép chạy theo sau.

“Cha ơi, tại sao chỉ có con trai mới được nối dõi tông đường? Tại sao con gái phải xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử?” Tôi hỏi cha.

Cha tôi nhíu mày. “Đó là bổn phận của nữ Nhi, sách thánh hiền dạy thế.”

Tôi lại hỏi. “Cha ơi, tại sao con gái không được đi thi khoa cử, không được ra làm quan?”

Cha trầm ngâm suy nghĩ. “Con gái yếu đuối, chỉ ở nhà lấy chồng sinh con thôi. Ra làm quan cực khổ lắm. Con gái không đủ sức để làm.”

Tôi không chịu. “Vậy thì con không lấy chồng, cũng không sinh con thì đi thi rồi ra làm quan được cha nhỉ?”

Cha bực bội nhìn tôi. “Nói vớ vẩn!! Con gái không được là không được!”

Tôi cố cãi. “Tại sao? Con gái thì cũng là người cơ mà.”

Cha gắt lên. “Không có sao trăng gì hết!! Thiên hạ này đã như vậy từ xưa rồi!!”

“Rõ là trọng nam khinh nữa mà.” Tôi dỗi cha luôn từ đó.

Suy nghĩ lớn lao nhất lúc ấy trong tôi là thay đổi cái hủ tục đã ăn sâu vào trong tiềm thức phận nữ nhi. Thiên hạ này không phải của riêng đàn ông, đó là chân lý trong tôi từ khi tôi chỉ là một đứa trẻ.

Nhưng tôi đã nghĩ quá đơn giản. Năm tôi mười bốn tuổi, Ngọc Lộ tỷ mười bảy, cha đã gả tỷ cho một thương gia có tiếng ở phía Nam. Biết tỷ tỷ không nguyện ý, tôi ra sức phản đối, tìm đủ mọi cách thuyết phục cha. Nhưng hôn sự của tỷ tỷ nhanh chóng được tiến hành cùng lúc với cuộc giao dịch buôn bán lớn với bên thông gia. Tôi đã hiểu, một mình tôi thì chẳng thể làm gì được.

Trước ngày tỷ tôi xuất giá. Cả đêm tôi ôm tỷ mà khóc rấm rứt, tỷ trấn an tôi.

“Thôi mà! Mai tỷ lấy chồng rồi, Điệp phải vui lên chứ!”

“Tỷ lấy chồng chẳng phải muội sẽ không được gặp nữa sao.” tôi đáp.

Tỷ cười nhẹ. “Ngoan nào. Hỷ sự là chuyện vui của gia đình mà!”

Tôi buồn bực. “Tỷ qua đó một mình có sao không?”

Tỷ ngập ngừng. “Ừ thì… Một thời gian sẽ quen dần thôi mà!”

Tôi không đồng tình với cái kiểu an phận của tỷ tôi một chút nào. “Thế, tỷ có yêu người ta không?”

Tỷ ngạc nhiên nhìn tôi rồi xoa đầu tôi. Tôi biết tỷ đang bối rối. “Chắc là ở với nhau một thời gian thì sẽ nảy sinh tình cảm.”

Ngọc Lộ tỷ cười buồn, tôi ôm tỷ mà nước mắt cứ chảy ra. Có lẽ trên đời chẳng còn ai có thể dịu dàng với tôi thế này nữa. Ngày mai thôi là tỷ sẽ rời xa tôi mãi mãi.

Tỷ tỷ đã xuất giá, chỉ còn tôi quanh quẩn trong ngôi nhà lớn. Không người cười đùa, nói chuyện hằng đêm, tôi cũng chẳng muốn trải lòng. Họ sẽ không bao giờ hiểu được đằng sau hai chữ “giàu sang” là gì. Tôi nghĩ, thà nghèo mà được tự do còn hơn ẩn náu trong đống nhung lụa, sống như con rùa rụt cổ.

Mỗi khi không có việc gì để giết thời gian, tôi mon men đến chỗ sách vở của cha. Lật từng trang giấy, mắt tôi cay cay, cố gắng đọc cho hết. Cha bắt hai tỷ muội tôi phải học thuộc hết chỗ này trước khi xuất giá. Cha có cái lý của mình, dù sao tôi cũng không trách ông. Những thứ này đâu phải do cha tạo ra, họa chăng cũng là bất đắc dĩ. Đó là cái giá để dân đen chạm đến tầng lớp quý tộc. Dù có là quý tộc giả thì cũng phải giả sao cho thật.

Rồi một ngày, điều tôi sợ nhất cũng đến.

Chưa bao giờ nhà tôi rục rịch đến vậy, từ sáng cho đến tối người ra kẻ vào không ngừng nghỉ. Cả đám cưới của tỷ tỷ cũng không đến mức nhốn nháo thế này. Vốn bản tính tò mò, tôi đi hỏi một gia nhân trong nhà. Thì ra nhà đang chuẩn bị ăn mừng cha tôi mua được một chức quan nhỏ. Tôi tự hỏi, trước nay chưa cha có quan tâm mấy chức tước này đâu, sao tự nhiên lại muốn làm quan? Đến một thời gian dài tôi mới vỡ lẽ, cái cha muốn không chỉ có tiền mà còn phải có quyền để nở mày nở mặt với họ hàng.

Cha từng nói: “Ta muốn thoát khỏi kiếp dân đen.” Và giờ điều đó đã thành hiện thực.

Bữa tiệc linh đình dập dìu, người ra người vào, khách khứa đổ về nhà tôi như chảy hội, toàn những người tôi không quen biết. Tôi ngồi một góc với người tỷ tỷ hai năm trời không gặp. Trông tỷ gầy đi, ánh mắt đã không còn vẻ trong sáng thơ dại.

Tỷ tỷ vấn tóc, cài trâm bạc trông rất ra dáng phu nhân. Tỷ tỷ nói chuyện với tôi rất ít, hầu như là những chuyện thường ngày ở nhà chồng, rồi tỷ dặn tôi sau này về nhà chồng phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói. Tỷ tỷ biết tôi ương bướng nên dặn dò rất kỹ. Tôi chỉ cười buồn nhìn tỷ. Tỷ cũng cười với tôi nhưng là nụ cười có phần chua xót. Chỉ từng ấy thời gian mà tỷ thay đổi nhiều quá. Đôi mắt tỷ long lanh nhìn đứa em gái muốn khóc mà không khóc được. Hai tỷ muội tôi thương nhau lắm, qua hôm nay không biết bao giờ mới được gặp lại.

Cũng ở bữa tiệc ấy, nhân vật thu hút sự chú ý của tôi ngoài tỷ tỷ ra là một quan chức cao cấp trong triều, quan tam phẩm họ Lưu. Ông ta vừa xuất hiện trước cửa, không khí nhộn nhịp chuyển sang trang trọng. Mọi người dạt ra hai bên, nhường lối đi trên thảm cho ông. Ấn tượng đầu tiên của tôi về con người này là bá khí đáng sợ, dáng đi bệ vệ. Ông ta có đôi lông mày rậm và bộ râu quai nón được tỉa tót ngay ngắn, đôi mắt nhìn mọi thứ một cách điềm nhiên. Bộ áo lụa trên người ông ta tựa như phát sáng cùng chiếc thắt lưng nạm ngọc xanh. Thời điểm ông ta bước vào, mọi người xung quanh đều như trở nên nín thở, khép nép cúi người sợ sệt trước cái bá khí ấy.

Cha tôi bước nhanh đến chỗ ông ta cúi chào đồng thời, nắm lấy bàn tay đưa ra của ông ta bằng cả hai tay, một cách thật trịnh trọng. Tôi ngạc nhiên khi thấy cha như vừa quen biết vừa nể sợ ông ta, và càng ngạc nhiên hơn khi ông ta mỉm cười đáp lại cha. 

Cha tôi nói một cách cung kính. “Lưu đại nhân thứ lỗi vì chúng tôi đón tiếp chậm trễ.”

”Ồ không, tôi mới phải cáo lỗi vì đến muộn.” Giọng nói ồm ồm vang lên sau giọng của cha tôi.

Tôi nuốt nước miếng.

“Vậy còn Lưu thiếu gia?” Cha tôi vẫn khép nép

Ông ta cắt lời cha tôi. “Nó mệt nên không đến được.” Trong giọng nói ông ta có chút giận dữ.

Cha tôi hơi run run.

“Mời vào trong!” Bấy giờ mẹ tôi mới lên tiếng.

Ông khách cao cấp bước vào đại sảnh, theo sau là vị phu nhân trạc tứ tuần, dáng người hơi đậm, ăn mặc cực kỳ sang trọng quý phái.

Đến khi hai vợ chồng quan lớn yên vị trong nhà, bên ngoài mới bắt đầu xì xào. Họ nói chuyện một lúc với cha mẹ tôi rồi một gia nhân chạy ra, gọi tôi vào. Tôi vừa ngạc nhiên vừa tò mò nhìn tỷ tỷ. Tôi đi vào sảnh, một lần nữa xung quanh lại im hơi lặng tiếng.

Tôi nhún chân chào khách theo đúng cung cách mà mẹ vẫn dạy, và rồi, bà ra hiệu cho tôi tự giới thiệu. Tôi làm theo một cách máy móc.

“Thưa, cháu là Ngọc Điệp.” Tôi cố tỏ ra nhỏ nhẹ.

“Ngọc Điệp, cái tên rất đẹp! Dáng hình cũng rất thướt tha.” Người đàn ông ngồi bên trên nhìn tôi nở nụ cười.

Dù ông ta khen tôi, nhưng tôi lại cảm thấy không thật lòng chút nào. Tướng mạo tôi thua xa tỷ tỷ Ngọc Lộ, dáng đi thì thô kệch. Mẹ vẫn thường bảo lấy chồng cho tôi khó hơn lên trời.

Người đàn ông nói tiếp: “Có được hai nữ nhi sắc nước hương trời quả thực may mắn!”

“Ngài quá khen!” Cha tôi nở nụ cười xã giao.

Vừa bước vào đã thấy cảnh này, thật chướng mắt. Người đàn ông lạ ngồi ở vị trí trung tâm còn cha mẹ tôi thì lủi thủi hai bên. Trông ông ta còn trẻ hơn cha tôi.

“Nhị tiểu thư năm nay…”

“Dạ, cháu mười sáu tuổi.” Tôi vẫn giữ ngữ điệu thỏ thẻ.

“Ừm”. Ông ta gật gù hài lòng.” Con trai ta cũng chỉ hơn bốn tuổi, thật xứng đôi!”

Cha mẹ tôi mỉm cười trong khi lời ông ta vừa nói tựa như sét đánh ngang tai tôi. Đầu óc tôi quay cuồng trước chủ đề sắp được nói đến. Bà vợ ông khách quý chăm chăm nhìn tôi soi xét. Tôi lạnh cả sống lưng trước ánh mắt sắc như dao ấy.

“Đâu có, người may mắn là gia đình tôi mới đúng. Con gái được kết duyên với một tài năng hiếm có quả là có phúc!” Cha nói.

Bình luận (0)Facebook