Elma
N-Buna
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Nhật kí của Elma

Độ dài 8,566 từ - Lần cập nhật cuối: 2022-12-08 20:45:13

Xin hãy trả lại cho: Elma

Người liên quan: Amy

Kỉ niệm 1

Chúa cư ngự bên trong các tác phẩm. Đó là điều cậu từng nói. Chúa không hề tồn tại bên trong con người, chúa chỉ hiện hữu bên trong tác phẩm mà con người tạo nên. Dù ngoài kia có rất nhiều tác phẩm có chúa trong đó, nhưng chúa không hề tồn tại với bất cứ ai. Đó là lí do chúa cư ngự ở nơi không ai với tới được. Bởi vậy ta mới thể hiện sự tôn kính thông qua các tác phẩm.

Tôi vẫn nhớ.

Cậu ta, dùng đầu ngón tay lần theo vệt nước mưa rỉ xuống từ cửa sổ, mân mê cuốn nhật kí trên tay. Cậu ta lúc nào cũng chìm đắm trong kí ức của mình.

Nhưng cậu biết đấy, Amy, tớ nghĩ những tác phẩm cậu để lại đều rất quan trọng. Tớ nghĩcậu không cần thay đổi điều đó. Giống như trong truyện của Ibuse Masuji, chỉ là về con kì nhông khổng lồ cố gẵng bẫy con ếch trong khi bản thân nó bị kẹt, tác phẩm của cậu đang chặn lối vào, đồng thời ngăn bất cứ thứ gì thoát ra. Tớ không nghĩ mọi người nên quá chìm đắm vào kỉ niệm để rồi trốn tránh hiện thực.

Và đó không phải do tớ nghĩ về tác phẩm của cậu nên mới nghĩ vậy. Tớ muốn nhốt cậu lại.

"Chúa chỉ cư ngụ bên trong các tác phẩm."

Chuyện đó với tớ khi ấy thế nào cũng được, tớ không quan tâm.

Đối với tớ, ngay cả lúc này, cậu gần như đã là một vị thần

3/14

Trên chuyến tàu đi về phương bắc Copenhagen, người soát vé đã yêu cầu tôi trình hộ chiếu ra cho anh ấy xem. Khi lấy nó ra khỏi túi và đưa cho anh ấy, tôi nhận ra mình đã đi qua khỏi biên giới.

Từ những chỗ ngồi phía sau, tôi có thể nghe thấy những tiếng nói bằng ngôn ngữ mà tôi không nhận ra được. Bên ngoài chiếc xe, tràn ngập những người đến từ nhiều nơi khác nhau. Sắc xanh của cỏ cây thấp thoảng trong gió biển.

(9/5) YUU ICHIJOU / Nỗi buồn duy nhất.

3/21

Từ Malmö tới Lund.

Mùa xuân bắc Âu lạnh hơn tôi nghĩ nhiều. Cậu ấy đã viết về thành phố tràn ngập học sinh trong bức thư.

Liệu cậu ấy đã đi bộ khắp thành phố này? Tôi thuê một phòng tại nhà trọ ở ngoại ô thành phố. Kể cả bây giờ, trên vịa đường đổ nát, đọc lại những lá thư cậu ấy gửi. Lúc này, nó gần như đã là thói quen thường ngày rồi.

Tôi trở về phòng của mình, viết về tất cả những thứ xảy ra trước đây vào cuốn sổ tay. Tôi sợ. Tôi biết rằng những ngày bên cậu sẽ đến lúc trào ra khỏi chiếc hộp đó và chiếm lấy tâm trí tôi, từng chút một. Và tôi biết rằng nó sẽ chỉ tăng dần theo thời gian. Từ bộ não, kí ức ấy sẽ dần tạo thành một lỗ hổng, rồi dần trôi hết đi. Tôi phải tiếp tục viết nhật kí. Ít nhất là ở những chỗ có thể viết được.

3/22

Tôi tìm thấy nơi cậu ấy chụp tấm ảnh khá là nhanh. Đi về cửa nam của ga trung tâm, bên ngoài căn nhà riêng gần đại học Lund. Nhà thờ lúc ẩn lúc hiện giữa mái nhà của những toà nhà cũ.

(3/22) YUUNAGI, BOU, HANAMADOU / Đêm lặng, đâu đó, pháo hoa.

3/23

Nhà thờ Lund được xây ngay giữa trung tâm thành phố từ thế kỉ XII. Nhà thờ kiểu la mã, trần nhà cao. Bàn thờ chúa Kito.

Một bệ đá ở trung tâm. Đại phong cầm.

Đèn chùm và đèn nến treo trên trần nhà.

Ghế xếp thành hàng, hội trường dưới lòng đất.

Bức tượng người khổng lồ huyền thoại bám vào cây cột đá.

Rướn người lên ngắm chiếc đồng hồ thiên văn mà Amy đã viết trong bức thư.

Bắt chước cậu ấy, ngả lưng trên chiếc ghế gỗ cuối nhà thờ. Duy trì

Những ngày viết nhạc vẫn còn phía trước.

Dạo gần đây tôi hay nhớ lại ngày đầu tiên gặp cậu ấy.

Kí niệm 2

Trên đường về nhà bà. Tôi đã phải dừng lại tìm nơi trú vì cơn mưa bất chợt. Đó là nơi tôi nhìn thấy cậu ta, chăm chú viết một thứ gì đó.

Trên chiếc bàn gỗ tròn, ở đó có một chiếc đĩa với cốc Capuchino không còn nhả khói. Tôi có thể tưởng tượng ra cái cốc đó đã ở đó bao lâu để nguội hoàn toàn như vậy. Cái cốc đã được đặt sang một bên để dọn chỗ cho một tờ giấy được chặn với một cái tẩy.

Mắt cậu ta lúc nào cũng hướng xuống. Cậu ta dán mắt vào tờ giấy đó trong khi gõ đầu bút chì lên mặt bàn. Như thể với cậu ấy, chân lí của cả thế giới đều nằm trong một mảnh giấy đó vậy.

Cậu ta liên tục gõ đầu bút rồi như sực nhớ ra chuyện gì. Cậu ấy lia đầu bút của mình trên giấy, rồi lại nhìn chằm chằm vào tờ giấy.

Từ chỗ ngồi phía xa có chút buồn chán, chỉ biết dùng ngón tay theo đường kẻ trên chiếc bàn gỗ. Cơn mưa không hề có dấu hiệu sẽ dừng lại, và trong túi tôi chẳng có món gì giết thời gian được cả.

Tôi nhìn cậu ấy với ánh mắt lơ đễnh, dõi theo nét bút đấy một lúc lâu cho đến khi cậu ấy đặt nó xuống.

Tôi tò mò ngó nghiêng.

Đột nhiên, vì lí do nào đó cậu ta quyết định bóp nát tờ giấy đó, vo nó lại thành quả bóng rồi ném vào thùng rác. Sau đó cậu ấy đưa tay vào túi lấy ra một cuốn sổ tay bằng da, một cái bút máy và lọ mực trước khi tiếp tục cắm cúi viết tiếp. Lần này cậu ấy viết không ngừng, không chút đắn đo, cứ như vừa chép lại từ tờ giấy kia. Đó chính là ấn tượng đầu tiên về cậu ấy.

Nhưng có vẻ sự tập trung đó mất rồi. Khi ánh mắt hướng lên trần nhà, cậu ta nằm lên chiếc bàn rồi nhắm mắt lại. Và như vậy, cậu ta hoàn toàn bất động.

Tiếng mưa tí tách trên mái nhà, nhẹ vang khắp sân thượng. Từ miệng thùng rác, một mảnh giấy rơi xuống như giọt nước, trôi đi trong làn gió, rơi trước mũi chân tôi, người đang ngồi khá xa.

Cậu ấy vẫn nằm trên chiếc bàn đó, không hề cử động.

Tôi không nhớ khi ấy mình đã nghĩ gì.

Nhưng cái khoảng khắc ấy, khi chậm rãi đưa tay xuống, dùng ngón tay lật tờ giấy đó lên.

Đó là một bản nhạc.

Gói gọn trong đường viền của khổ A5 đó, các kí tự nghệch ngoạc lặng lẽ xếp thành hàng. Phía trên các từ, có các biểu tượng đơn giản, ngay cả tôi, dù không biết gì cũng có thể nhận ra đó là âm nhạc.

Sột soạt, âm thanh từ chiếc ghế đó làm tôi sực tỉnh. Tôi vội đặt tờ báo lên đùi và ngửa mặt nhìn lên. Cậu ấy đã dậy, nhìn tôi như muốn nói điều gì đó.

Tôi cảm thấy thật xấu hổ khi lỡ nhìn lén cậu ta vì tính hiếu kì. Tôi đảo mắt xung quanh rồi trùng mắt xuống.

Mưa đã ngớt từ lúc nào, mùi đầu hè bốc lên từ sàn nhà ẩm ướt.

Tôi gặp Amy trên sân thượng quán cà phê, trong cơn mưa rào.

4/5

Trên tuyến đường phía đông bắc, tôi đã phải dừng lại ở thành phố dọc đường vì gặp sự cố đường sắt. Hình như thành phố đó là Jönköping.

Đó là một thành phố lớn nằm phía nam cái hồ lớn thứ hai đất nước này. Tôi đã ngắm cảnh hoàng hôn không hề lặn trong đêm trắng. Ngồi trên bãi cát, đón gió hồ.

Một nhà thơ nổi tiếng, Matsuo Basho từng nói: "Thơ Haiku phải giống như trẻ lên ba". Cậu ấy đã viết thế trong thư. Khi tôi đang tìm hiểu về Basho, tôi tìm thấy cuốn sách về Yosa Buson. Ông ấy là nhà thơ được truyền cảm hứng bởi Basho. Hồi quy kiểu Basho, đó là phong cách thơ của ông. Cậu ấy ngưỡng mộ Basho.

Tại một số điểm, Busho đã đạt được thứ mà ông luôn hướng tới.

(9/3) AME TO CAPPUCCINO / Mưa và CAPPUCCINO.

Kỉ niệm 3

Amy thích dùng từ "vô nghĩa". Cậu ấy cũng thích viết từ đó nữa, cứ coi nó là chuyện bình thường vậy. Phòng cậu ta thực sự chẳng có gì. Tủ quần áo, kệ sách, bàn, không hề có. Chỉ có một cái tủ nhỏ với cái ghế ở giữa phòng, một cây đàn Guitar thùng dựng kế bên. Ở đó có rất nhiều khoảng trống, sự trống rỗng đó có thể gọi là "vô nghĩa" theo cách của cậu ta.

Để viết nhạc, đầu tiên cậu ấy viết nháp ra đống giấy thừa, rồi chép hết vào tờ A5, cuối cùng là chép vào cuốn nhật kí. Đó là những gì tôi thấy ở quán cà phê đó. Cậu ấy chắc cũng không khá giả gì nhưng cậu vẫn cần tiền để mua giấy và mực.

Thêm vào đó, không đếm nổi số ghi chú bừa bãi trong cuốn nhật kí nữa. Phần lớn các trang đều có ghi ngày tháng nhưng bên trong đều trống rỗng. Luôn có khoảng trống bên trong, và cậu ấy thích thú việc sẽ viết gì đó, vào khoảng trống của tờ giấy trắng. Cậu nói rằng đó là nơi lưu trữ trí tưởng tượng. Cậu ấy thích việc mở một trang giấy cũ ra và viết nhạc vào đó. Cậu ấy yêu những khoảng trống và cả khoảng khắc lấp đầy nó từng chút một nữa.

5/1

Tôi đã tới Linköping.

Kể cả khi tới tận thành phố này, tôi vẫn không thể tìm thấy hình bóng của của cậu ấy ở đất nước này. Bất kể nơi nào cũng vậy, không có chút đầu mối hay dấu vết gì. Tất nhiên tôi không biết. Rằng chiếc hộp này đã mất bao lâu để tới được chỗ tôi.

Tôi đã tới Gamla Linköping, bảo tàng ngoài trời  lưu giữ khung cảnh sinh hoạt thời trung cổ. Bất cứ nơi nào cũng vậy, đều là sự hoài cổ được tái tạo. Bên cạnh căn nhà cũ, tôi ngồi trên băng ghế đá bên rừng và tiếp tục viết nhạc.

Tôi tưởng tượng ra giai điệu cậu ấy từng viết, ghi chú nó lại từng từ một. Chắc hẳn cậu ấy muốn diễn đạt nó như này. Giữa bài hát cậu ấy sẽ đặt vào những khung cảnh. Rồi chau chuốt ngôn từ như thể tự đặt mình vào đó. Cậu luôn dùng vần điệu ở mức tối thiểu, cố gắng xen lẫn quá khứ và hiện thực.

Câu cửa miệng "sao cũng được", gợi lên khao khát mãnh liệt về mùa hè năm ấy, về lí tưởng. Nhân xưng sẽ là "tôi" để thể hiện góc nhìn cá nhân. Chắc chắn đó là điều cậu ấy muốn viết. Ngồi xuống, ngẫm về quá khứ.

Tất nhiên tôi biết, rằng việc bản thân đang làm không phải sáng tạo. Đó chỉ đơn thuần là bắt chước.

5/15

Tôi đã tới Stockholm. Ăn bữa trưa tại quán cà phê gần cung điện Drottningholm.

Thật là vô vị.

Một ngày là quá ngắn, nhưng sống lại quá dài. Tôi hồi đó sống với cảm giác lúc nào cũng bị vội vã. Mỗi ngày trôi qua, sự khó chịu từng chút chất dần thành đống. Không phải vì tôi cần phải hoàn thành thứ gì đó, chỉ là lớp vỏ bao bọc tôi đang dần vỡ ra. Vỏ bọc được tạo ra từ tiềm năng và tố chất, tất cả đều gói gọn trong thời gian. Và sâu thẳm bên dưới vô số lớp vỏ ấy, tôi ở đó, hoàn toàn trống rỗng.

Cuộc sống có sẽ ngày hết hạn. Đó là điều tôi từng nói với cậu ấy, rất lâu về trước.

(5/28) KAMISAMA NO DANCE / Điệu nhảy của thần linh.

Kỉ niệm 4

Nếu chỉ bỏ lại kỉ niệm phía sau và biến mất, nếu chỉ mình tớ bỏ lại thành phố đó. Nếu chúng ta cùng nhau chạy trốn, Amy, tớ sẽ cùng cậu đi đến bất cứ nơi đâu.

Tớ sẽ vứt hết đi. Dẫu có ngày mọi thứ đi đến hồi kết, thì vẫn tốt hơn một thực tại nơi chúng ta không có gì cả. Ở một đất nước xa xôi. Quên sạch tất cả, kể cả âm nhạc. Dù có nghèo đói, nhất định chúng ta vẫn sẽ tìm được công việc bằng một cách nào đó. Kể cả có tồi tàn đi chăng nữa, mọi thứ sẽ ổn thôi nếu như chúng ta được sống cùng nhau, tìm kiếm trái tim. Nếu chúng ta ở bên nhau, mọi thứ sẽ ổn thôi.

Thật sự chỉ vậy thôi, thực sự chỉ có vậy, tớ...

6/15

Gamla Stan.

Sự hối hả và nhộn nhịp thả bước trên con đường đá cuội.

Amy dự định viết bài nhạc về thị trấn Gramla Stan sau cơn mưa vào cuối tháng 5. Nhưng cuối cùng, cậu ấy quyết định không viết nó. Bên trong chiếc hộp, tất cả lá thư về tháng 6 đều không nhắc đến nó.

Tôi muốn biết tại sao.

6/16

Trước đây, khi cậu ấy đọc một bài nhạc của tôi và nói rằng cuối cùng cũng nhớ ra những từ mà cậu ấy lỡ quên.

"Cậu làm tớ ghen tị đấy." Cậu ấy nói.

Tưởng đó là một câu đùa vui vẻ, tôi đã cười.

6/18

Không có vẻ gì là trời sẽ mưa.

6/20

Trời không mưa.

6/22

Trên đường đến toà nhà công cộng, tôi thấy cậu ấy đi vào một phòng khám nhỏ. Đó là một ngày nắng đẹp.

6/25

Không có dấu hiệu rằng trời sẽ mưa. Khi không có gì để làm, tôi quyết định dạo quanh Gamla Stan. Ngỡ nó chỉ là hòn đảo nhỏ vậy mà đường phố lại ngoằn nghoèo như mê cung, tràn ngập du khách và người tham quan.

Từ con hẻm đằng sau tôi thấy một cậu bé trần truồng chạy xuống. Có vẻ như sức nóng này là không là gì với đứa bé năng động ấy. Chẳng hiểu sao tôi quyết định đi theo đứa bé ấy. Thi thoảng cậu có qua lại nhìn rồi giơ tay lên như ra hiệu. Tôi nhận ra mình đang tiến gần tới cung điện Drottningholm.

Tôi băng qua một con hẻm hẹp và rẽ vào một góc phố. Ở bên đường, có một cánh cổng nhỏ, đó hẳn là con đường cậu bé đã đi. Trên bức tường có khắc những chữ cái mà tôi không đọc được. Dù sao tôi cũng đã đi qua, tiếp tục bám theo cậu nhóc tôi tìm thấy một nơi gợi lại khung cảnh sân sau nhà.

Không có ai ở quanh đó cả, và đột nhiên cậu bé biến mất. Tựa lưng bên cái cây, kế bên là một cái bục vuông bằng sắt, trên đó là chiếc ghế dài nhỏ. Và trên đó có một bức tượng tạc cậu bé nhỏ.

Chiều muộn, tôi có thể thấy hàng mây trôi trên bầu trời, mùi mưa thoảng qua mũi.

6/27

Từ ngày tôi cố đuổi theo cậu ấy, tôi đã nghĩ rằng cậu ấy đã chán ngấy mình rồi.

Nhưng giờ, tôi không hiểu chút gì về cảm giác của cậu ấy khi đó hay cậu ấy muốn truyền đạt điều gì. Tôi không hiểu chút nào.

Kỉ niệm 5

Cách vài bước từ ga tàu có hành lang dẫn thẳng tới hội trường mở, ở đó có một bộ piano nhỏ. Tôi và Amy thường chơi nó vào ngày mưa. Vốn dĩ ga tàu đó đã không nổi tiếng, nên khỏi phải nói, ngày mưa nơi đó thật sự im ắng. Tôi có thể nghe rõ tiếng phím đàn và tiếng cọt kẹt khi đặt chân lên bàn đạp.

Bầu không khí yên tĩnh như thể chúng tôi đã thuê cả ga vậy. Bản Liszt cậu ấy chơi nghe như tiếng mưa rơi.

Đối với người nghiêm túc với âm nhạc như cậu ấy thì tôi chắc rằng tiếng piano mình chơi chỉ như trò trẻ con. Dẫu vậy, cậu ấy đều rất vui mỗi khi tôi chơi đàn. Khi nốt đầu tiên vang lên, Amy sẽ không mở miệng ra mà chỉ nhắm nhẹ mắt rồi hít một hơi thật sâu như thể chuẩn bị lặn xuống biển. Bất kể có bản nhạc tôi chơi có lộn xộn thế nào. Đến cuối cậu ấy vẫn luôn dành cho tôi một tràng vỗ tay nhỏ.

Khoảng khắc ấy, cứ như thể đang đứng trên bục sân khấu vậy.

Cậu ấy không hề phủ nhận thứ âm nhạc đó. Dù đó chỉ là trò trẻ con, thì sự thật vẫn là âm thanh đó do tôi tạo nên.

Cậu ấy trân trọng nó.

Cậu ấy tán dương tôi như thể đã nhìn thấy từ trước. Như rằng cậu ấy sống chỉ để thể hiện tình yêu với âm nhạc.

Và rồi một ngày, cậu ấy ngừng chơi piano.

6/29

Mưa đã ngừng.

(6/30) AME HARURU / Sau cơn mưa.

7/2

Rời khỏi thị trấn.

7/5

Trên chiếc phà hướng về Gotland, tôi thấy một người bà lão chống gậy chật vật leo lên con dốc. Tôi không đứng nhìn được nên quyết định giúp bà ấy một tay. "Tack" bà ấy nói và nở một nụ cười lớn mà không nhận ra tôi không hiểu được thứ ngôn ngữ ấy. Trong lúc loay hoay không biết đối đáp thế nào thì bà ấy lấy từ trong túi đen ra một tấm ảnh.

Bức ảnh chụp ba người, hai nam và một nữ. Trông họ rất thân mật. Dù không chắc nhưng ba từ bà ấy thốt lên chắc hẳn là tên của họ. Trong khi tự hỏi liệu bây giờ đang ở đâu, làm gì.

Tôi gật đầu.

7/6

Gotland, Visby.

Như đã từng nghe, thị trấn này thực sự rất đẹp, tôi nghĩ vậy. Hoa hồng nở rộ hai bên đường, đâu đâu cũng thấy di tích.

Ngoài ra tàn dư của nghề chăn cừu thịnh vượng nơi đây vẫn còn được lưu giữ. Có thể tìm thấy những bức tượng cừu nằm rải rác khắp thị trấn. Bức tường hình tròn bao quanh thị trấn, phía bên kia là con dốc kéo dài tới tận biển được tạo nên bởi hoa hồng và tàn tích.

(7/8) ARUKU / Bước đi.

Kỉ niệm 6

Kể cả lúc này, mỗi khi có ý định từ bỏ việc viết nhạc, tôi lại nhớ những lời Amy đã cho tôi:

"Cậu có thể coi tài năng như sợi chỉ."

Vì muốn cổ vũ tôi khi nói ra những lời ấy, đôi mắt cậu ấy luôn hướng thẳng về tôi.

"Sợi chỉ ấy rất mỏng, chỉ cần thổi nhẹ cũng đủ làm rung lắc đến suýt rách. Mỏng manh, không đáng tin cậy. Dẫu vậy nó vẫn là một phần của cuộc sống, luôn hiện hữu trước mắt.

Như một thói quen, khi ta tò mò nắm thử, nó sẽ đứt ra và bỏ ta đi. Người ta nói rằng nỗ lực sẽ không bao giờ phản bội. Nhưng tài năng sẽ trượt đi trên ngón tay và trôi tuột khỏi tay cậu.

Nhưng cậu biết đấy Elma, tớ không tin vào tài năng. Tài năng là nghệ sĩ lừa đảo. Nếu cố bám víu lấy, nó sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nhận ra tài năng chỉ tồn tại trong tưởng tượng.

Để có thể tự áp đặt suy nghĩ ấy cho bản thân, chỉ có cách là từ bỏ thôi. Khi cảm thấy không thoả mãn, không thể đạt được lí tưởng của mình. Nhưng trên thực tế, còn nhiều thứ đáng giá hơn thế.

Vẻ đẹp hiện hữu ngay cả trong bức tranh bẩn thỉu. Một bông hoa ven đường, những khúc cua lộn xộn, trong bùn đất, ngay cả ngòi chì gãy. Nếu ngoài kia ai đó đã ban cho chúng giá trị, thì nhất định chúng sẽ tồn tại vẻ đẹp ở điểm nào đó.

Ngắn gọn, vẻ đẹp nằm ở đôi mắt người nhìn. Không cần biết đó là gì. Những thứ do con người tạo ra đều bình đẳng về vẻ đẹp.

Không có cái gọi là tài năng, Elma."

Tớ không hiểu nổi, Amy.

7/10

Dạo bước vài nơi xa xa khỏi thành phố, đi xuyên qua khu rừng và dừng chân tại một vách đá.

Tôi ngắm thị trấn Visby từ đằng xa, nhìn con tàu từ phương xa cập bến, bị hút vào bến cảng.

7/12

Đi về phía bắc công viên Almedalen, ở đó cậu sẽ tìm thấy một bức tường hình tròn dọc theo đường bờ biển. Một bên là công viên tự nhiên trải rộng được bao phủ bởi cây xanh tươi tốt. Còn bên phía bắc, ở đó có một chiếc ghế dài, phỏng theo bức tường. Từ nơi ấy nhìn ra, có thể thấy hai toà tháp lớn sát gần nhau. Một cái nhỏ và một cái to. Để bền vững hơn, người ta có xây một cây cầu nối giữa chúng. Phía xa khỏi bức tường, hoàng hôn trải dài trên bầu trời. Một hoàng hôn âm ỉ nhuốm màu đêm tối. Từ đằng xa tiếng chuông nhà thờ vang vọng lại, báo hiệu thời gian.

Kí niệm 7

Khi tôi tới hội trường ở cơ sở ấy, cậu ấy đang chơi piano, điều hiếm khi cậu làm. Phím đàn vang lên chỉ bằn cái chạm nhẹ.Tôi có thể nghe tiếng bàn đạp bị nhấn. Ngón tay cậu nhảy múa giữa những khoảng nghỉ tinh tế.

Cậu ấy bắt gặp tôi đang nhìn cậu với ánh mắt đầy sự tò mò và một nụ cười gượng gạo. Cậu vỗ nhẹ chiếc ghế bên cạnh. Hội trường ẩm ướt sau cơn mưa hè, tiếng ve qua lớp kính dày.

"Tại cậu giỏi hơn tớ rồi đó." Cậu ấy cười.

Còn tôi thì liền phủ nhận lời nói đó.

Cũng đã lâu rồi cậu ấy không chơi đàn.

Khi đặt tôi ngồi đối diện cây đàn piano cậu ấy nói: "dạo gần đây tớ hay suy nghĩ. Rằng chúng ta tìm thấy âm nhạc ở đâu?"

Tôi nghiêng đầu. Cậu ấy vươn tay ra, gõ phím đàn bằng ngón trỏ.

"Âm nhạc hiện đại và cổ điển, thời baroque và thời phục hưng, hãy cứ bỏ lại phía sau. Nếu cứ tuân theo hình mẫu đó, thì dù chỉ còn giọng hát thôi, cậu cũng sẽ tìm thấy thánh ca. Điều đó áp dụng cho bất cứ ai, kể cả một đám người sùng đạo bị ruồng bỏ. Trước khi nhạc cụ ra đời, con người đã tự tạo ra âm nhạc bằng chính giọng nói."

Trong lúc nghe, đôi lúc tôi gật nhẹ đầu để cậu ấy biết tôi có lắng nghe. Đôi mắt của cậu ấy có màu màn đêm sâu thẳm, của màn đêm đang tàn lụi.

"Trước đó thì sao? Những sinh vật đơn giản như phù du thì sao? Chúng không biết hát, nhưng chúng biết tạo ra âm thanh. Miễn là có âm thanh thì liệu ít nhiều nó sẽ mang lại cảm giác như âm nhạc? Nếu các nhạc cụ gõ và tiếng vỗ tay được coi "âm nhạc", thì gọi tiếng phù du bơi lội là "âm nhạc" cũng đâu hề sai. Phải không?

Thế còn xa hơn nữa thì sao? Trước cả khi vũ trụ hình thành, khi chúng ta chẳng hề tồn tại.

Không có thứ gì, hoàn toàn tĩnh lặng.

Liệu đó có phải âm nhạc

Có thể. Âm nhạc thời nay gọi đó là quãng lặng. Dù có cắt bỏ mọi thứ của bài hát, chỉ trừ duy nhất khoảng khắc đó thôi, nó vẫn là âm nhạc. Cũng dễ hiểu nếu ai đó nói "tĩnh lặng là nghệ thuật". Bỏ giá trị qua một bên, nếu có ai nói im lặng tuyệt đối là âm nhạc, tớ đồng tình.

Tớ đã từng kể về vị chúa nghệ thuật rồi nhỉ? Vị chúa quyết định giá trị của tác phẩm. Giá trị âm nhạc của chúng ta chắc chắn do vị chúa đó quy định. Tớ không biết đó là ông hay bà chúa. Nhưng mọi thứ đều công bằng trước chúa. Chúa quyết định giá trị tất cả âm nhạc, dù đó có là tiếng con phù du động đậy, hay một tác phẩm không có âm thanh nữa. Vậy thì, âm nhạc của chúng ta là gì? Tớ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho âm nhạc. Giá trị của cuộc đời tớ nằm ở đâu?"

Tôi ngước nhìn cậu ấy từ lúc nào không biết. Cậu gõ nhẹ vào cạnh chiếc piano và bảo "không có gì" rồi nở một nụ cười. Điều đó làm tôi thấy an tâm hơn chút.

"Cậu định chơi gì hôm nay?" Tôi hỏi. Cậu ấy lắc cổ tay như đang rung chuông, "Franz Liszt. Một tác phẩm dựa trên kĩ thuật của Paganini".

Tôi đặt ngón tay lên trên phím đen, cậu ấy bất đầu đếm nhịp bằng ngón tay trên chiếc đàn.

Sau ngày hôm đó, cậu ấy biến mất khỏi thị trấn.

(9/6) KOKORO NI ANA GA AITA / Lỗ hổng nơi trái tim.

7/18

Vì tớ là người tham lam vậy nên tớ muốn có mọi thứ. Giống như danh dự đi trước địa vị. Tớ muốn tự mình quyết định giá trị bản thân trước khi hoàn thành tác phẩm. Tớ chỉ đơn giản là không thể viết vì nghệ thuật như cậu đã từng. Tớ không thể giống như Henry Darger. Chỉ vậy là không đủ. Không hề đủ, Amy. Tớ cần một thứ lấp đầy được khoảng trống trải rộng trong tim. Tớ ao ước danh tiếng chỉ vì nó có thể lấy đầy khoảng trống này. Tớ muốn biến thành thứ gì khác xa bản thân mình.

7/20

Từ chiếc ghế dài đối diện bức tường tròn, ngắm hoàng hôn không bao giờ lặn.

Những đêm trắng vẫn tiếp diễn.

Ngày mai tôi sẽ rời thị trấn.

7/22

Trên đường từ Visby tới Fårösund, bên ngoài nhà thờ vùng quê được bao quanh bởi rừng rậm. Tôi gặp lại người bà lão. Khi bà ấy thấy tôi, vẻ ngạc nhiên của bà dần biến thành nụ cười rất tươi. Trong khuôn viên nhà thờ, có vài thứ được xếp thành hàng cách đều nhau. Chúng được tạo thành từ nhiều loại khoáng vật khác nhau, tôi chợt nhận ra đó là bia mộ.

Tôi lập tức hiểu ra mình đang đứng ở một bãi nghĩa trang. Tôi thấy bà ấy bất đầu chống gậy đi lại nên đã giúp một tay. Ở phần đất phía bên trái nhà thờ. Bà ấy quỳ trước một chiếc bia mộ và đặt hoa và nến xuống rồi sau đó nhắm mắt lại cầu nguyện.

Đó là vào buổi chiều yên ắng. Làn gió thổi như sóng nước gợi lăn tăn qua ngọn cỏ. Một chú chim đậu trên cành cây sồi hót. Bà ấy ngẩng đầu nhìn tôi.

"Man" bà ấy vừa nói vừa mỉm cười.

Tôi nhớ lại tấm ảnh bà ấy từng cho xem hồi đi trên chiếc phà. Đến tôi cũng hiểu được bà ấy dùng từ ấy với nghĩa "chồng".

Tớ có thể nghe thấy cậu. Mọi thứ về ngày hôm ấy đang dần phai mờ. Mọi âm thanh cứ bị bóp méo. Cứ như tớ đã bỏ lại tất cả, ẩn mình dưới đáy hồ.

Kỉ niệm 8

Bà liên lạc cho tôi, nên tôi quyết định sẽ về thăm nhà. Theo bà nói thì ngọn núi gần nhà tôi đã đổi màu, tức là mùa thu sắp kết thúc. Bà ấy còn bảo có món đồ kì lạ được gửi đến. Tôi nghĩ xem nó có thể là gì và ngó qua xem. Tôi không có chút manh mối nào nhưng có vẻ nó được gửi từ một quốc gia rất xa nơi này. Nó làm tôi thấy tò mò đến kì lạ.

Trên đường về nhà bà, gần ga tàu tôi có ghé qua một nơi đã từng là quán cà phê. Đó là chuyện từ lâu rồi. Giờ công trường xây dựng đã thay thế nơi ấy rồi.

Khi tôi về đến nhà, bà mời tôi vào và trao tận tay tôi gói hàng được bọc cẩn thận ấy. Một cái gì đó vuông vức. Tôi bỏ chiếc bọc ra và tìm được một chiếc hộp kì lạ hơi bẩn. Tôi mở nó ra tìm thấy những lá thư ấy, những lá thư mà Amy đã để lại. Tôi đã đọc tất cả.

Kể từ ngày ấy, mắt tôi như mơ màng.

7/24

Từ bến tàu của Fårösund, tôi leo lên chiếc thuyền hướng về đảo Fårö. Đảo vẫn còn lưu giữ truyền thống nuôi cừu kiểu trung đại từng thịnh hành. Đâu cũng vậy, toàn là cối xay gió cả.

Kỉ niệm 9

Chiếc hộp chứa hàng chục lá thư và bài hát. Những nốt nhạc viết trong nhạc phổ trống và cả những bức ảnh từ một quốc gia xa xôi. Chữ viết tay thật hoài niệm, không thể nhầm lẫm được.

Tớ đọc chú tâm nghiền ngẫm lá thư. Cậu nói rằng mình đang có chuyến đi ở một đất nước bắc Âu. Trong vài tháng cậu đã tới phía nam, tới thị trấn cổ Lund, tới Linköping, tới thủ đô Stockholm, trú lại thị trấn Gamla Stan, đi tới Gotland và đảo Fårö. Cuối cùng cậu nói sẽ quay lại Stockholm để kết thúc mọi thứ.

Tớ không đủ khả năng để tóm gọn nội dung của bức thư này. Tớ dường như không thể hiểu nổi giá trị cậu muốn gửi gắm, ngay cả khi đã đọc đi đọc lại tới mức sờn cả giấy. Tớ vẫn không hiểu gì cả.

Với tớ, người mà chỉ biết lẽo đẽo theo sau cậu, tớ giờ đây không còn có thể nghĩ cho bản thân được nữa. Bây giờ cũng vậy, cuộc hành trình này thực chất cũng chỉ là cố bắt chước cậu. Tớ viết nhạc về những nơi mà cậu đã viết. Không có gì thay đổi cả, không có gì gợi lên trong trí óc hết.

7/29

Tại mũi cực bắc của đảo Fårö. Tôi có thể nhìn thấy một tảng đá có hình thù rất lạ. Những bãi cát đá vôi xa ngút tầm mắt. Những tảng đá khổng lồ cao vài mét đứng ở khắp mọi nơi. Amy đã chụp vài tấm ở nơi đây, nhưng chỉ có hòn đá đó là nổi bật. Đơn độc, tách biệt khỏi phần còn lại.

(7/28) KOE / Giọng Nói.

7/30

Tôi có một giấc mơ.

Cậu ta bước đi trên con đường quê không trải nhựa. Ở cuối con đường dài đến nực cười ấy, tôi có thể nhìn thấy nhà thờ trong rừng. Tôi vẫn luôn đuổi theo cậu ấy. Đến cuối, sau một khoảng thời gian tưởng chừng như vô tận, chúng tôi đã đến cánh cổng nhà thờ. Cây bằng lăng xẻ bên trái nhà thờ, những bông hoa đỏ rơi tựa như trái bom nhỏ.

Cậu ấy đến trước cổng, mở nó ra và tiến vào. Tôi bám theo cậu.

Tôi thấy mình trên một bãi biển, choáng váng và mờ mịt. Tôi có cảm giác rằng mình vừa nghĩ về một thứ gì đó rất quan trọng. Trên mặt biển, ánh trăng phản chiếu, hoa bằng lăng đỏ trôi nhẹ trên mặt nước.

Đúng rồi, tôi định làm một con búp bê. Nó bé cỡ bàn tay, càng đẹp càng tốt.

Tôi phải tạo ra một tác phẩm dễ nhìn.

Đắp cát ướt lại với nhau, tôi dần nặn thành hình người, nén chặt phần tay và gắn đôi chân vào.

Nhưng cát thì không bền và khó kết dính, từng phần cơ thể cứ vỡ vụn ra. Dù có muốn làm nhanh thế nào. Sự chán nản làm tôi điên lên nắm chặt đống cát. Tôi đã luôn làm búp bê với khuôn mặt của cậu ấy.

Vẫn luôn, vẫn luôn.

Chính vì ý nghĩ đó mà từ đâu đó sâu thẳm trong tâm trí, tôi chợt nhận ra rằng mình đang mơ. Ngay lúc đó, tôi biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Ngẩng mặt lên, tôi thấy mình đang ở một quán cà phê sân thượng, trong tiếng mưa rơi tí tách.

8/2

Tôi quay lại đảo Fårö. Ăn tại một nhà hàng gần bến tàu.

Như mọi khi, chẳng có vị gì cả.

Kỉ niệm 10

Tôi vẫn nhớ ngày hôm đó, ngày mà Amy đã bỏ tôi lại. Tôi vẫn nhớ cảm giác khi ấy nữa.

Tìm kiếm cậu ấy, khóc. Lỗ hổng trong đầu to dần ra, trống rỗng. Vậy nhưng sâu thẳm trong cơn đau xé lòng đó, tôi thấy một chút nhẹ nhõm. Tôi đã biết về căn bệnh mà cậu cố giấu kín, tôi cũng hiểu ra cậu còn ít thời gian đến nhường nào.

Tôi đã trốn tránh hiện thực nhờ lòng tốt của cậu ấy. Tôi chạy trốn cái khoảng khắc khi tất cả kết thúc, khi cậu ấy đột nhiên biến mất.

Tôi chắc rằng bản thân đã luôn dậm chân tại chỗ, chẳng tiến được bước nào kể từ ngày cậu ấy biến mất. Mong ước cậu ấy sẽ đưa tôi đi cùng vẫn còn đó. Nhưng sâu thẳm trong tôi tồn tại nỗi sợ. Cái tôi xấu xí đến mức muốn đảo mắt ngoảnh đi. Cậu ấy hẳn đã biết điều đó. Rằng tất cả đều là do tôi hèn nhát.

Chẳng có gì thay đổi cả, tôi vẫn chỉ biết bám víu lấy những gì cậu để lại. Trái tim này đã bỏ cuộc, chỉ đợi chờ sự trống rỗng chiếm lấy. Tôi không thể thoát ra khỏi hang động giống như con thằn lằn đó. Hoàn toàn bị kẹt.

Tôi vẫn không thay đổi được gì cả. Tất cả chỉ là ôm vào lòng cuốn nhật kí lấy trộm được từ phòng cậu ấy.

Kể từ ngày hôm ấy mắt tôi đã luôn mơ màng.

8/7

Khi quay trở lại Visby, nơi đó bỗng chật kín người. Khi hỏi một người qua đường, họ nói rằng lễ Medeltidsveckan sắp đến. Nó được gọi là tuần lễ trung cổ.

Để thể hiện sự tôn trọng với truyền thống, những cư dân thành phố sẽ tái hiện lại khung cảnh thời trung cổ. Từ một người phụ nữ vận áo dân gian đến một cậu hiệp sĩ trẻ. Cướp biển, thậm chí có cả người Viking.

Quầy hàng mọc lên khắp các ngả đường. Con hẻm nhỏ giờ đã nôn núc người qua lại. Thành phố trông thật nhộn nhịp khi tô lên màu lễ hội.

Trong đám đông, tôi nghe thấy âm thanh của âm nhạc. Đó là âm thanh dân gian, âm sắc của sáo, và nhạc cụ có dây như đàn vĩ cầm. Nó giống như thang âm của Ireland nhưng giai điệu khác hoàn toàn. Khi đi theo tiếng nhạc và bước vào hội trường nơi nó phát ra. Mọi người đan tay vào nhau nhảy theo nhịp ba của ban nhạc.

Mơ màng, tôi tự hỏi liệu cậu ấy đã từng tham gia lễ hội này chưa.

8/10

Công viên Almedalen.

Một chú chim nhỏ lướt qua tầm nhìn. Tôi băn khoăn liệu chú chim sẻ đó có sống ở quốc gia này không. Ngồi trên chiếc ghế bao quanh bởi bụi cây, tôi thần người ra. Chợt nhận ra lí do mà bản thân không thể viết thứ gì, lí do cây bút không hề động đậy. Tôi không có gì để viết.

Không có thứ gì hiện lên trong đầu cả.

8/15

Mưa rơi, tôi ngắm bức tường trên chòi canh. Nếu cậu bắc thang lên vài tầng thì cậu có thể thấy cái ghế dài cũ đó từ đằng xa, bắt chước bức tường. Kỉ niệm bên cậu ấy đã dùng hết. Tôi không còn viết được gì cả.

8/21

Không viết được gì.

8/22

Trong phòng bếp của ký túc xá, tôi cắt một lát bánh mì rồi ăn nó. Cậu ấy thực sự tệ ở khoản nấu ăn. Có thể nói là do cậu ấy lười làm việc nhà. Chà, hai đứa mình cắt bánh cẩu thả thật.

8/23

Không có gì hiện lên trong đầu.

8/25

Khôn    Hôm na

Không viết được.

8/26

Không viết nổi.

8/27 #1

Rời thành phố và thẳng tiến về phía bắc. Trên con đường chưa trải nhựa, tôi bước đi một mình. Khoảng trống trong tôi như được phủ bởi lớp sơn trắng tinh khiết. Trắng cũng là màu nền cậu ấy thích.

Đôi chân này cứ vấp ngã, không đứng lên được. Đôi giày tôi mang theo suốt chuyến hành trình này đã sờn, rách nát. Tôi đi qua thị trấn miền quê, ngang qua khu dân cư thưa thớt nhà và tiến gần về nhà thờ trong rừng ấy. Buổi trưa đã qua, mang theo tia nắng khô khốc.

Đầu tôi quay quồng vì những lời nói ấy, về những câu hỏi cho giá trị của cuộc đời. Rồi trong khoảng khắc lơ đễnh, chân tôi vấp phải một vật, ngã nhào ra nền đất cứng.

Mùa hè sắp đến hồi kết, khi tôi mở mắt ra, màu chàm chiếm trọn tầm nhìn.

Chính là lúc đó.

Tôi ngước nhìn lên trong sự sững sờ. Giữa những kẽ cây, hình bóng cậu đã ở đó.

Cơn đau ở chân biến mất. Tôi lao đi thật nhanh, xuyên qua bụi rậm khu rừng như thể có con thú nào đang bám theo tôi. Không hề khó thở, nhịp đập của trái tim cũng không nghe thấy đâu. Nhưng gần đó, tôi nghe thấy tiếng của biển cả, của những con sóng vỗ bờ, âm thanh mà cậu yêu thích.

Phía xa xa, phía tận chân trời, bóng chiều chập chờn như vẫy gọi. Sau nhiều lần chân vướng vào bụi cây, cuối cùng tôi cũng đi đến cuối khu rừng. Tôi nhào qua bụi cỏ cuối cùng và thoát khỏi đó.

Một bãi biển dài và bờ cát rộng mở phía trước mắt. Một con hươu đực với bộ lông đẹp đang nhìn tôi, giữa bãi cát vắng bóng người.

Dọc theo bờ biển, tôi chỉ thấy duy nhất một chiếc thuyền đang ngâm mình dưới làn nước. Con hươu quay lại nhìn tôi rồi bước đi, mơ màng chân tôi tự bước về phía trước.

"Cuốn sách không có điểm dừng thật là nhàm chán. Một câu chuyện tiếp diễn bởi sự lười biếng và lỳ lợm thì không có gì đẹp đẽ."

"Giá trị của cuộc sống nằm ở cách nó kết thúc."

Thứ duy nhất tiếp động lực cho tôi đi đến cuối, là những từ ngữ mà cậu ấy đã cho. Tại mép vực, tôi nhìn xuống. Những cơn sóng biển Baltic có màu xanh đậm, và trông có vẻ sâu vô tận nếu như được lấp đầy bởi màn đêm dịu dàng.

Cởi giày ra. Ngẫm lại về tháng ngày mới bất đầu cuộc hành trình. Liệu cậu ấy cũng cảm thấy thế này?

Chẳng nghĩ ngợi gì tôi nhảy xuống nước.

Cơ thể tôi chìm xuống, lặng lẽ và nhẹ nhàng hơn tôi tưởng. Cột bong bóng dào rạt bám vào mặt. Càng xuống sâu khỏi mực nước biển khung cảnh càng lúc mờ mịt và vô định. Ánh nắng mặt trời lọt qua ke hở của con tàu tựa như ánh trăng. Tôi nghĩ nó khá đẹp.

Amy. Từ ngữ của cậu ấy chảy qua trí óc tôi. Từ tầm nhìn mù mờ của mình, tôi thấy thứ gì đó, thứ gì đó sáng loá ẩn sau lớp bùn. Dùng tay bới nó lên, tôi nhận ra ngay nó là gì.

Tôi biết cây bút máy đó.

8/27 #2

Trên bãi biển gần bến tàu có một lọ mực lăn trên cát. Cách một đoạn, tôi tìm thấy túi của cậu ấy nằm dưới bóng của một tảng đá.

Bên trong chiếc túi có một cuốn sổ. Đó là cuốn mà cậu ấy vẫn hay dùng. Không phải cái tôi đã lấy trộm mà là cái cậu ấy lúc nào cũng đem bên mình.

Tôi đã lên đường để bám theo những lá thư cậu ấy để lại. Đó là chỗ dựa duy nhất tôi có, giống như xăng, là nguồn năng lượng giúp tôi bước tiếp.

Cậu ấy lúc nào cũng mang theo mình lọ mực và cây bút máy này. Tôi không thạo nhưng nhờ việc bắt chước cậu ấy nên tôi cũng biết cách dùng. Nếu dùng nó đúng cách, mực sẽ không cạn nổi. Kể cả có viết nhiều hơn bình thường rất nhiều đi chăng nữa, vậy sao lọ mực đó lại cạn được?

Cậu ấy luôn viết nháp trước khi sao chép nó vào lại vào cuốn sổ.

Nếu những bức thư cậu ấy gửi đều là "bản nháp", vậy thì cuốn sổ này. Cuốn sổ này chính là suy nghĩ thật sự của cậu ấy. Trước mắt tôi, thứ đã bị hư hại bởi gió biển. Tôi lật trang bìa ra, đọc những gì cậu để lại.

Kỉ niệm 11

Tớ muốn trở thành thứ gì đó.

Tớ muốn trở thành thứ gì đó khác xa bản thân. Tớ muốn một bản thân không bị người khác coi thường, một con người không chịu thua trước ác ý của người khác. Tớ ghét con người hèn nhát không dám đáp trả. Tớ ghét chính mình.

Amy, tớ nhớ mọi điều cậu từng nói. Tớ không quên được. Mỗi ngày của tớ đã thay đổi, kể từ ngày hôm đó. Tớ có thể viết lại mọi thứ, tớ thực sự có thể. Tớ vẫn còn nhớ.

"Trong trường hợp đó, cậu là Elma."

Kể từ bây giờ cậu là Elma. Chẳng có gì quá đáng cả. Cậu là một đứa trẻ mít ướt, nhút nhát nhưng lại kiên cường, giỏi sáng tác, cậu chỉ đơn thuần là Elma. Chỉ dùng chữ cái đầu tiên trong tên tớ để gọi tớ đi, vậy cũng hay đấy. Ngày xưa cũng có nhà thơ tên vậy đó.

Chúa tồn tại trong ngón tay cậu. Không một ai có thể thấy. Đó chỉ là vị chúa của riêng hai chúng ta. Cậu không hiểu được giá trị của bản thân và thế gian này cũng vậy. Họ cười nhạo cậu, bạn bè cậu, kể cả gia đình và bà của cậu.  Đến tớ cũng không biết điều đó.

Chỉ có chúa biết đến cậu, chỉ có vị chúa của nghệ thuật mới thực sự nhìn thấy cậu.

Elma, cậu muốn làm gì? Điều cậu thực sự muốn tìm kiếm là gì?

A m y, tớ...

Kỉ niệm 12

Trong sổ tay của Amy có một số từ không thể đọc được do ảnh hưởng từ gió biển. Phần lớn nội dung vẫn chẳng có gì mới so với bức thư. Chỉ có vài trang là khác. Trong đó có vài bài hát không được nói đến trong bức thư.

Bài hát về mặt trời sau mưa. Bài hát về việc ngủ đông chờ đợi mùa hè. Bài hát mà cậu ấy tự gọi mình là kẻ thua cuộc.

Ngày tháng thì thưa thớt, những tờ được viết sau đôi chỗ bị mờ và nhoè. Tuy thế nét chữ vẫn rất ngay ngắn.

Tôi mở trang cuối cùng.

Ngày 31 tháng 8, ngay trước khi cuộc hành trình kết thúc, được viết bằng những giọt mực cuối cùng. Bài hát với tiêu đề "Elma."

Đó là tên tôi, cái tên mà cậu ấy cho tôi.

(9/16) AMY

Kỉ niệm 13

"Cậu có biết thứ âm nhạc tuyệt đẹp nhất trên thế gian đến từ đâu không?"

Tôi bảo cậu ấy rằng mình không biết. Cậu ấy nắm lấy đầu tôi, nhẹ nhàng lắc nó.

"Đầu tớ?" Tôi hỏi.

Cậu ấy gật đầu.

"Tất cả những bản nhạc mà cả Bach và Beethoven viết đều nằm ở đây. Không chỉ riêng cậu mà còn trong tâm trí của tất cả mọi người. Sự ràng buộc của từ "khả năng" không còn kiểm soát âm nhạc hiện thời nữa."

Mắt cậu ấy chìm dần vào màn đêm tĩnh mịc.

"Ngay lúc này, cậu đang trôi nổi giữa đại dương gọi trí tưởng tượng."

Tôi hình dung nó.

"Cậu có thể không thể tự do di chuyển nhưng cậu có cánh tay dùng để bơi. Khi nhìn xuống cậu có thể thấy dưới đáy biển là một sa mạc khổng lồ được tạo bởi từ ngữ. Cậu có thể nhìn thấy những viên đá với đủ loại kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, trộn lẫn trong lớp cát. Chúng lăn dài và ẩn hiện.

Đó chính là điểm khởi đầu. Hãy chọn một trong số chúng, và học cách tạo nên viên đá quý mà cậu muốn, Elma."

Tôi muốn thấy vẻ đẹp ấy, nơi mà chúa cư ngự.

Cậu đã dạy tớ về vị chúa ấy, về vị chúa chỉ cư ngự bên trong những tác phẩm. Tớ muốn nhìn thấy khung cảnh mà cậu đã thấy.

Tại sao tớ phải quên đi?

Tại sao tớ không thể đưa ra lựa chọn chính xác? Làm cho mọi thứ hướng về tớ.

Cái đầu này, thứ cậu đã dạy tớ bằng đôi mắt ấy.

Amy, tại sao lại tớ lại

Amy, tớ

9/3

Quay trở về phòng trọ, tôi viết nhạc bên lề cuốn sổ, như cách cậu ấy vẫn làm. Tiêu đề là "mưa và Cappuccino."

Kỉ niệm 14

Amy lúc nào cũng cười dịu dàng. Mỗi khi tôi tới phòng cậu ấy để chơi guitar, cậu ấy sẽ cho tôi nghe bài nhạc cậu viết. Nhạc của Amy luôn mang cảm giác hoài niệm đến khung cảnh nơi cậu đã đi qua. Tôi có thể nghe thấy màu sâu thẳm của bầu trời xanh cuối hè. Nhưng đâu đó bên trong vẫn có sự chối bỏ, cố chấp. Thoáng thấy lòng tự trọng bao bọc cậu như vỏ bọc. Tôi đã có chút vui mừng khi biết điều đó.

9/5

Tôi leo lên cầu thang hướng đông nhà thờ Santa Maria. Ngồi trên chiếc ghế dài đỉnh ngọn đồi. Tôi viết nhạc. Tiêu đề là "duy nhất một nỗi buồn."

Kỉ niệm 15

Amy thích từ "vô nghĩa".

Khi tôi nghịch ngợm cây đàn piano, cố ý thêm vào mấy nốt không có trong bản nhạc thì cậu ấy vẫn mỉm cười với mình.

"Đó là sự vô nghĩa ngây ngô đấy, Elma".

Đó là kiểu làm nhạc thuở sơ khai. Mấy bài jazz với rock and roll cũ kĩ ấy. Chúng cũng được sinh ra bởi một dạng vô nghĩa tương tự.

9/6

Tôi viết nhạc. Tên nó là "lỗ hổng nơi trái tim."

Kỉ niệm 16

Đọc sách rất là quan trọng. Cốt lõi của sáng tác luôn nằm ở câu chữ. Elma, sách được làm bởi chúng. Kể cả lúc này, cuốn sách cậu đang cầm có lẽ đang được vị chúa của nghệ thuật đọc đấy.

9/7

Từ ngữ vẫn cứ tuôn trào. Nhạc hiệu vẫn cứ nhún nhảy trong đầu tớ. Kí ức quay mòng mòng. Chỉ viết thôi là không đủ. Trên mặt giấy trắng, kể cả giữa những trang giấy. Tôi cứ viết không ngừng về kỉ niệm bên cậu ấy. Hết cái này rồi lại đến cái khác. Tại sao tớ phải quên nó đi? Amy, tại sao tớ, thật nhiều

Kỉ niệm 17

Đó là vào tháng 8. Pháo hoa nhuộm đỏ cả bầu trời. Đó là một đêm quang mây, không gợn cơn gió. Amy dừng gảy chiếc guitar và mở cửa sổ ban công ra.

"Elma, pháo hoa kìa" cậu ấy nói.

Tôi dừng viết nhạc lại và bước chân ra ngoài. Những toà nhà cao tầng che đi pháo hoa nổ làm nó tựa như hình bán nguyệt. Amy dịu dàng cười.

9/8

Tớ quay về bãi biển đó. Khi dạo bước dọc bờ biển tớ tìm thấy một còn tàu nhỏ cũ kĩ. Nó giống như cái lần trước như thể là phản chiếu của tấm gương vậy. Dù hơi khác một chút. Con thuyền đã bị mục rữa, bỏ quên theo năm tháng.

Tớ tìm thấy hộp đựng guitar của cậu ở đó, bị bào mòn, nằm trên mặt đất. Trong đó có cây đàn guitar thùng, và một mảnh giấy chứa bản nhạc trong đó. Tiêu đề là "Nautilus". (Ốc anh vũ)

Kỉ niệm 18

"Tớ yêu bài nhạc của cậu và cách cậu đánh piano, Elma.

Thôi nào, đừng làm bộ mặt đó.

Nhất định một ngày không xa, khi cậu lớn lên. Cậu sẽ viết ra một tác phẩm tuyệt vời và trở thành nhạc sĩ.

Tớ không tin vào tài năng, nhưng tớ tin vào âm nhạc. Dù mọi người có nói thế nào, cứ mặc kệ họ đi. Bất kể nó có vụng về hay vô lí đến đâu, khó hiểu cũng được. Chắc chắn sẽ có giá trị mà chỉ vị chúa nghệ thuật mới thấu hiểu nổi.

Tớ đã dạy cho cậu điều đó, phải không? Thứ quan trọng nhất không nằm ở suy nghĩ của người khác.

Nó là âm nhạc, Elma."

Kỉ niệm 19

Elma, hãy trở thành người tốt nhé.

9/10 #1

Không hề có ánh trăng bên trong tớ. Tớ không hiểu thứ ánh sáng đó. Chỉ là, khi tớ bắt chước cậu, bầu trời xanh trôi nổi trước mắt tớ. Phía bên kia bài hát, tớ nhìn thấy khuôn mặt cậu.

9/10 #2

Cho đến giờ, tớ vẫn chẳng có chút suy nghĩ nào về việc muốn khẳng định nghệ thuật cả. Trước khi tớ dõi theo cậu, trước khi bất đầu chuyến đi này, tớ không hề có lí do để viết nhạc. Sâu bên dưới vẻ mặt, chỉ có mỗi cái tôi. Suy cho cùng cũng chỉ là vì bản thân tớ.

Thực sự chỉ có vậy thôi, Amy.

9/11

Tôi cuối cùng cũng đã hiểu.

9/12

Amy, dạo gần đây tớ bất đầu suy ngẫm. Đầu tiên, tớ nghĩ mình muốn viết nhạc vì những bài hát cậu để lại. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tớ. Đó là lần đầu tớ nhiệt huyết đến vậy. Trước giờ tớ vẫn chỉ bắt chước cậu. Bắt chước bản nhạc của cậu, bắt chước cách sống của cậu. Âm nhạc cũng không khác gì. Tớ chưa từng thực sự hứng thú với nó. Tớ chỉ muốn biết thế giới cậu luôn nhìn trông ra sao, thế giới của một người tận hưởng âm nhạc, khung cảnh của trong mắt cậu trông thế nào.

Dẫu vậy, tớ vẫn muốn kể câu truyện về cậu, người đã từ bỏ âm nhạc. Nếu tớ không thừa kế được ý chí của cậu thì không ai có thể. Tớ đã hiểu ra thứ ánh sáng mà cậu đã nhìn thấy suốt cuộc đời. Kể cả có là thứ ánh sáng cư ngự ở nơi không ai vươn tới được. Dù nó có vụng về hay khó hiểu đi chăng nữa. Đó là tác phẩm vì lợi ích của tớ và của chính cậu. Vậy là đủ rồi.

Sẽ rất lâu đấy, sẽ là một cuộc hành trình dài nữa để tớ hiểu được ánh trăng mà cậu nhìn thấy lúc bên tớ.

9/14

Tớ nghĩ mình sẽ dừng viết nhật kí sớm thôi. Một câu truyện không có điểm kết thì thật tẻ nhạt. Đó là lời cậu nói. Thứ mình viết ra, tớ sẽ tự mình kết thúc nó.

9/25

Tớ bắt một chuyến tàu ở cảng. Khi bước lên boong tàu và quay lại nhìn bến đỗ. Tớ thấy bà lão hồi ở nhà thờ đó. Bà ấy đứng đó cùng với đứa con của bà và xung quanh là nhau nhắt đám trẻ nô đùa. Bà ấy nhận ra tớ và tớ cũng nhận ra rằng bà ấy đang cố hô vang gì đó. Dù bà ấy có đứng ngay cạnh thì tớ cũng biết là mình không hiểu nổi đâu, nên thôi cứ cúi chào vậy.

Bà ấy chỉ về phía sau tôi và cười, người đàn ông bên cạnh cũng thế.

Giờ tớ đã bước trên boong tàu, tầm nhìn vượt xa cả mũi tàu. Đó là thứ cậu ấy gọi là "tưởng như màn đêm", màu của màn đêm hoà vào sắc đỏ của hoàng hôn cháy rực phía cuối chân trời.

Bình luận (0)Facebook