Byousoku 5 Centimeter
Makoto ShinkaiN/A
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chương 2

Độ dài 3,713 từ - Lần cập nhật cuối: 2019-10-29 05:00:23

Suốt từ lúc mới quen đến trước khi cách xa, hai chúng tôi tìm thấy ở nhau rất nhiều điểm chung. Đó là quãng thời gian độ ba năm từ lớp Bốn đến lớp Sáu[1]. Cả hai đều quen chuyển nhà nhiều lần do tính chất công việc của bố, và trùng hợp thay, chúng tôi được chuyển tới cùng một trường Tiểu học ở Tokyo. Tôi đến từ Nagano năm lớp ba còn Akari đến từ Shizuoka năm lớp bốn. Đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ cảnh Akari hồi hộp giới thiệu bản thân trong ngày đầu đến trường. Em khép nép đứng trên bục giảng, bờ vai thon nhỏ cùng mái tóc suôn dài lung linh trong nắng xuân đương rọi qua khung cửa. Đôi môi hồng khẽ mím lại run run, mắt chăm chăm nhìn về phía trước không chớp. Dáng vẻ ấy làm tôi nhớ về chính mình một năm trước và ngay lập tức khiến tôi thấy thật thân thuộc. Sau đó, tôi chủ động bắt chuyện với em và hai người nhanh chóng trở nên thân thiết.

Akari là người duy nhất đồng quan điểm với tôi về nhiều chuyện, như việc học sinh lớn lên ở Setagaya chín chắn hơn bạn bè đồng trang lứa, hay việc chen lấn ở nhà ga đông đúc thật mệt mỏi, và việc nếm vị của nước máy quả là khó chịu. Với chúng tôi, chúng đều là những vấn đề to tát. Akari và tôi nhỏ người, lại dễ ốm nên hay đến thư viện thay vì sân thể thao, và tất nhiên không hứng thú chút nào với giờ giáo dục thể chất. Sở thích chung của hai đứa đều là tâm sự chuyện trò và đọc sách, cứ như mấy ông bà “cụ non”. Thời gian đó, bố làm việc ở ngân hàng còn gia đình tôi sống trong một căn hộ được công ty phân cho, và có lẽ Akari cũng vậy nên cả hai thường về chung đường. Một cách tự nhiên, em và tôi nương tựa vào nhau, dành thời gian nghỉ bên nhau và đi chơi cùng nhau sau giờ học.

Vì thế, bọn tôi luôn là tâm điểm gán ghép của bạn bè cùng lớp. Giờ ngẫm lại, những hành động và lời nói khi đó chỉ là trò trẻ con, nhưng cậu bé Takaki ngày ấy không giỏi xử lý mấy tình huống như vậy. Mỗi lần bị trêu chọc, tôi tổn thương rất nhiều. Tuy nhiên, càng những lúc như thế, tình cảm giữa hai chúng tôi lại càng bền chặt.

***

Một ngày nọ, tôi vừa ra nhà vệ sinh một lát và trên đường quay vào lớp, tôi bắt gặp Akari đang đứng chôn chân một mình trên bục giảng. Trên bảng vẽ một “chiếc ô tình yêu” [2] đề tên tôi và em bên dưới (giờ nghĩ lại, đó là một kiểu bắt nạt điển hình), trong khi đám bạn cùng lớp thi nhau bàn tán, chỉ trỏ từ xa. Có thể em định bước lên bục giảng để dẹp trò đùa nhưng lại dừng giữa chừng vì xấu hổ. Nhìn em khổ sở như vậy, tôi cứng cả người vì giận. Không thèm nói với ai lời nào, tôi bước thẳng vào trong, lấy khăn xóa sạch bức vẽ rồi kéo tay Akari chạy khỏi lớp học, bỏ mặc phía sau tiếng hò reo phấn khích của lũ bạn. Sự bạo dạn ngày hôm đó đến chính tôi cũng không dám tin, và giây phút nắm chặt bàn tay em mềm mại khiến trái tim tôi muốn nổ tung còn đầu óc thì mụ mị đi vì hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời, không còn điều gì khiến tôi cảm thấy sợ hãi nữa. Chắc rằng vẫn còn nhiều thử thách chờ đón phía trước, nhưng bất kể đó là gì chăng nữa, chuyển trường, thi cử, chuyển ra nước ngoài hay gặp gỡ những người xa lạ, miễn là có em ở bên, tôi sẵn sàng đương đầu với tất cả. Cảm xúc đó, còn quá sớm để nói đó là tình yêu, nhưng có một điều chắc chắn, tôi thích Akari và cảm thấy rõ ràng rằng em cũng có tình cảm tương tự dành cho tôi. Ngày hai đứa yên lặng nắm tay nhau cùng chạy, tôi càng chắc chắn về những xúc cảm mãnh liệt trong lòng. Chỉ cần luôn kề bên nhau bất kể chuyện gì xảy ra, chúng tôi tin chắc rằng không có gì đáng để e sợ cả.

Xuyên suốt ba năm, tình cảm giữa tôi và em ngày một đậm sâu. Chúng tôi cùng quyết tâm đỗ một trường trung học cơ sở cách nhà không xa, phấn đấu học hành và dành nhiều thời gian bên nhau hơn. Nhận thấy bản thân có phần chín chắn hơn bạn bè đồng trang lứa và đều sống nội tâm, chỉ thích quanh quẩn trong thế giới nhỏ bé của riêng mình, hai người chúng tôi thuyết phục nhau rằng đó là bước chuẩn bị tất yếu cho việc lên cấp hai. Sắp rồi, sắp tốt nghiệp Tiểu học, xa rời ngôi trường với bạn học chẳng mấy quen thân, bắt đầu một cuộc đời trung học đầy niềm vui với bạn bè mới. Chúng tôi cũng hy vọng việc đó sẽ giúp củng cố và làm nảy nở thêm những xúc cảm mạnh mẽ về nhau. Có thể, lên cấp hai sẽ là thời điểm thích hợp để tôi và em bộc bạch tình yêu của mình. Khoảng cách với thế giới xung quanh sẽ nhỏ lại, tôi và em sẽ xích lại gần nhau thêm nữa, phải không? Hẳn rồi, chúng tôi sẽ tự chủ và có nhiều tự do hơn.

…Giờ ngẫm lại, có lẽ chúng tôi biết trước mất mát sẽ đến khi luôn tranh thủ tâm sự với nhau mọi chuyện. Một điều chắc chắn rằng, tình cảm tôi dành cho Akari rất sâu nặng và cô ấy cũng thế. Hai chúng tôi mong được mãi bên cạnh nhau nhưng có thể, vì phải chuyển trường quá nhiều, sâu trong thâm tâm luôn là nỗi sợ âm ỉ ước mơ không thành hiện thực. Phải chăng, càng cố gắng trao nhau nhiều kỉ niệm đẹp, cũng chính vì sợ rằng một ngày nào đó, ta không còn ở bên nhau được nữa.

***

Đáng buồn thay, rốt cuộc cũng có ngày Akari và tôi chia xa, nhập học vào hai trường khác nhau. Chính Akari gọi điện báo tôi biết vào một tối mùa đông năm lớp Sáu tiểu học.

Vì hiếm khi tâm sự qua điện thoại và cũng đã khá muộn (tầm 9 giờ tối), tôi có linh cảm chẳng lành khi mẹ chuyển điện thoại.

“Mình xin lỗi, Takaki-kun”, Akari nói, giọng nhỏ xíu. Sau đó là những điều tôi không bao giờ muốn nghe và muốn tin.

“Chúng ta không thể học chung trường cấp hai được. Bố mình sắp chuyển đến công tác ở một thị trấn nhỏ phía Bắc Kanto”. Giọng em run run như chực khóc. Tôi không thể hiểu nổi cô ấy đang nói gì. Lòng tôi chợt bừng bừng như có lửa đốt còn đầu óc thì như chìm trong băng giá. Tôi không thể hiểu tại sao Akari phải kể với tôi chuyện này.

“Sao... Thế còn Trung học Nishinaka? Trường đó đã nhận cậu rồi mà?” Rốt cục tôi cũng thốt ra được một câu.

“Bố nói sẽ thu xếp cho mình học ở Tochigi… Mình xin lỗi.”

Nghe tiếng động cơ xe vọng vào điện thoại, tôi biết cô ấy gọi từ trạm điện thoại công cộng. Còn tôi đang ngồi bó gối trong phòng riêng, cảm nhận rõ sự lạnh lẽo từ chiếc điện thoại đang thấm dần vào từng ngón tay. Dù không biết nói gì cho phải, nhưng tôi thấy mình nên tìm lời đáp lại cô ấy.

“Akari, cậu không có lỗi gì cả…”

“Mình đã xin ở lại và qua sống với dì ở Katsushika nhưng bố bảo phải chờ khi lớn hơn mới được…”

Giọng Akari nghẹn ngào, cố hết sức không òa ra nức nở bất giác khiến tôi muốn gác ngay điện thoại vì sợ phải nghe thêm nữa.

Không kịp ghìm lại, tôi nói to “…Mình hiểu cả rồi!” Mặc cho Akari thở gấp ở đầu dây bên kia, tôi tiếp tục.

“Quên chuyện đó đi…” tôi nói, giọng khô khốc. “Hãy quên chuyện đó đi…” Lặp lại lời đau đớn ấy, phải gắng lắm nước mắt mới không tuôn rơi. Tại sao… tại sao mọi sự lại ra nông nỗi này?

Im bặt mất mười giây, cuối cùng em khẽ sụt sịt “Mình xin lỗi” rồi buông máy. Áp chặt tai vào điện thoại, đầu tôi hoàn toàn trống rỗng. Không thể bỏ ống nghe ra, cũng không thể dập máy xuống, thâm tâm tôi hiểu rõ những lời vừa rồi làm Akari tổn thương rất nhiều. Nhưng liệu có cách nào cứu vãn được khi tôi không biết cách kiểm soát cảm xúc của chính mình? Sau cuộc nói chuyện với Akari, tôi cứ bó gối ngồi ngây ra mãi.

Những ngày tiếp theo, tôi ở trong trạng thái rất tệ vì đã không kiếm được lời nào tử tế an ủi Akari trong lúc cô ấy đang vô cùng bất an. Với cảm xúc nồng nàn lưu giữ trong tim, hai người bọn tôi vụng về nói câu từ biệt trong lễ tốt nghiệp. Hôm trước ngày lễ, em đến gặp tôi và nhẹ nhàng bảo “Vậy là… tạm biệt nhé…” trong khi tôi cúi gằm đầu, không biết đáp trả thế nào. Tôi thấy mình thật vô dụng, từ trước đến giờ chỉ biết dựa dẫm vào cô ấy. Trước khi gặp nhau, dù đã dặn lòng phải tỏ ra chín chắn hơn nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Trước sau tôi vẫn là một cậu bé con, không hơn không kém. Tôi tự nhủ với bản thân, không thể để mọi chuyện như vậy mãi, và cầu mong một thế lực vô hình nào đó xuất hiện, cuốn phăng đi những con trẻ trong tôi. Kể cả khi không có sự lựa chọn nào khác, chúng tôi cũng không nên chia tay như thế. Đáng lẽ, Akari và tôi không bao giờ phải lâm vào cảnh mỗi người một nơi.

***

Kì đầu năm cấp hai bắt đầu với tâm trạng bộn bề ngổn ngang. Dù không muốn, tôi vẫn phải một mình đối mặt với những ngày tháng mới mẻ không mấy dễ chịu ấy. Đáng lẽ, tôi sẽ nhập học cùng trường với Akari. Vậy mà giờ, chỉ mình tôi ở đây, chậm chạp kết bạn, rồi tham gia câu lạc bộ bóng đá và tập luyện như điên. So với hồi Tiểu học, cuộc sống Trung học có nhiều việc để làm hơn, nhưng cũng khá thuận tiện để giữ đầu óc không lúc nào ngơi nghỉ. Những lúc ở một mình, cũng như trước đây, tôi không thấy thoải mái chút nào, một cảm giác không thể chịu đựng nổi. Chính vì vậy, tôi làm mọi cách để được bận rộn, như dành hầu hết thời gian đi chơi với chúng bạn, lên giường ngủ ngay khi làm xong bài tập về nhà và dậy thật sớm đến tập luyện ở câu lạc bộ.

Chắc hẳn Akari cũng đang hàng ngày tất bật thích nghi với nơi ở mới. Tôi mong những ngày tháng đó sẽ giúp em nguôi ngoai dần kỷ niệm về tôi. Nói gì đi nữa, tôi cũng là người làm em tổn thương lúc chia xa. Tôi cũng vậy, phải tìm cách quên em thôi. Cả hai người bọn tôi có lẽ, đều biết cách lãng quên sau khi chuyển trường nhiều lần và chia tay những người thân quen.

***

Thế rồi, vào một ngày hè nóng nực, một lá thư được của Akari được chuyển đến.

Còn nhớ như in ngày tìm thấy phong thư màu hồng trong hòm thư trước cửa nhà, tôi bối rối nhiều hơn là hạnh phúc. Sao lại đúng vào lúc này? Tôi tự hỏi. Dù đã quyết tâm thích nghi với việc không có Akari kề bên, lá thư em gửi chợt nhắc rằng thâm tâm tôi thực ra nhung nhớ em đến nhường nào.

Phải, thay vì cố quên, hình ảnh của em bỗng chốc tràn về trong tâm trí tôi. Dù quen thêm nhiều bạn mới, nhưng càng nói chuyện với họ, tôi càng thấm thía rằng em đặc biệt với tôi đến mức nào. Rốt cuộc, tôi giam mình trong phòng cả ngày đọc đi đọc lại lá thư của Akari. Thậm chí khi ngồi học trên lớp, tôi còn bí mật kẹp trong vở và nghiền ngẫm mãi. Tôi đọc lại, đọc nhiều đến mức gần như thuộc lòng từng câu từng chữ.

“Takaki Tohno thân mến,” Một cảm xúc bồi hồi khó tả khi lại được nhìn thấy nét chữ ngay ngắn, mềm mại của Akari.

“Cũng đã lâu rồi nhỉ. Dạo này cậu vẫn khỏe chứ? Thời tiết chỗ mình cũng khá oi bức nhưng chắc vẫn dễ chịu hơn nhiều so với Tokyo. Thực tình giờ nghĩ lại, mình vẫn thích mùa hè nóng ẩm ở Tokyo hơn, nóng đến độ nhựa đường trông như chuẩn bị tan chảy ra đến nơi, cái nóng nung hầm hập bên ngoài các cao ốc trong khi gió điều hòa thổi lạnh gần như băng trong các căn hộ và ga tàu điện ngầm.”

Một điều thật hài hước là, xen giữa những câu từ người lớn là nhiều hình minh họa nhỏ nhỏ, xinh xinh (hình mặt trời, hình ve sầu,…), cứ làm đầu óc tôi bay bổng, không biết cô bé Akari năm xưa đang dần ra dáng thiếu nữ thế nào? Bức thư là vài dòng ngắn ngắn ngủi về cuộc sống của em hiện tại. Cô ấy kể việc đến trường mới trên chiếc tàu có bốn toa thế nào, tham gia câu lạc bộ bóng rổ để giữ dáng ra sao và cả chuyện đã đổi sang cắt tóc tém nữa. Bất giờ là lá thư không nhắc gì đến tôi. Cô ấy không hề nói nhớ tôi và từ cách viết trong thư, tôi hiểu rằng Akari đã quen với cuộc sống mới và mọi thứ đã ổn định. Tuy nhiên, tôi biết rằng em sẽ rất buồn nếu viết hẳn là nhớ và muốn nói chuyện với tôi. Nếu không thế, Akari chẳng đời nào đặt bút viết lá thư này. Kỳ thực, đó cũng chính là những cảm xúc của tôi về em.

Từ đó, tôi và Akari viết thư cho nhau mỗi tháng một lần. Với tôi, cuộc sống dường như dễ chịu hơn hẳn. Chẳng hạn, giờ tôi có thể thẳng thắn thừa nhận những bài học trên lớp thật nhàm chán. Trong quãng thời gian cách xa Akari, tôi luôn nghĩ những bài tập hà khắc hay lời chỉ bảo vô lý của giáo viên đúng không thể cãi vào đâu được, thì giờ, tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái. Cảm xúc dần trở lại với tôi như lúc trước. Lạ kì thay, chính nhờ lẽ đó mà tôi dễ dàng chịu đựng trở ngại trong cuộc sống hơn. Mặc dù không bao giờ viết về những điều bực bội, khó chịu xảy ra hàng ngày, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng mạnh mẽ rằng có một người khác trên cõi đời này luôn thấu hiểu và ủng hộ mình.

Cứ thế, mùa hè và mùa thu của năm đầu cấp hai lần lượt trôi qua, giờ đã sang đông. Tôi bước sang tuổi mười ba, cao thêm 7 centimet, cơ thể cường tráng hơn và không còn dễ ốm như hồi nhỏ. So với hồi Tiểu học, tôi có cảm tưởng rằng mình đã bước gần hơn ra thế giới. Chắc giờ Akari cũng trạc tuổi tôi. Mỗi lần nhìn đồng phục các bạn nữ trong lớp, tôi lại mơ mộng không biết em trông như thế nào nếu khoác lên mình bộ cánh ấy. Một lần Akari bảo muốn được cùng tôi ngắm hoa anh đào như thuở xưa. Em còn bảo gần nhà em bây giờ có một cây hoa anh đào lớn lắm. Em viết “Mình chắc chắn hoa anh đào nơi đây cũng rơi với vận tốc 5 centimet một giây.”

***

Giữa kì học thứ ba, tôi được tin mình phải chuyển trường lần nữa.

Tôi sẽ chuyển đi vào kì nghỉ xuân tới, đến Kagoshima, một đảo gần vùng Kyuushuu, mất hai giờ từ sân bay Haneda, Tokyo, chẳng khác nào sống ở nơi tận cùng thế giới. Thực ra, tôi cũng quen với cuộc sống thay đổi liên tục và chẳng mảy may bận tâm đến nó. Điều làm tôi lo lắng duy nhất là khoảng cách với Akari. Từ lúc rời Tiểu học đến giờ, chúng tôi chưa gặp lại nhau lần nhau nhưng khoảng cách địa lý kì thực không xa đến vậy. Chỉ mất ba giờ đi tàu giữa vùng Bắc Kansai chỗ Akari ở và Tokyo nơi tôi sống. Chúng tôi vốn có thể gặp nhau vào thứ Bảy hàng tuần. Nhưng nếu chuyển đến vùng cực Nam nước Nhật, gần như tôi không thể gặp lại cô ấy nữa.

Vì thế, tôi quyết định viết thư hẹn gặp Akari một lần cuối trước khi chuyển trường. Trong thư, tôi gợi ý một loạt thời gian và địa điểm gặp nhau thích hợp và nhận được hồi đáp nhanh chóng. Sau khi kết thúc thi học kỳ, tôi phải sửa soạn chuyển nhà còn Akari phải tham gia hoạt động ở câu lạc bộ nên em và tôi chỉ có thể gặp nhau vào buổi tối sau tiết cuối cùng của kỳ học. Sau khi kiểm tra kỹ thời gian biểu, thời gian và địa điểm lý tưởng là một ga tàu gần nhà Akari lúc 7 giờ tối. Như thế, tôi sẽ nghỉ một buổi ở câu lạc bộ rồi khởi hành ngay sau khi tan học, ở cùng với Akari hai tiếng rồi bắt chuyến tàu cuối về nhà. Trong bất cứ trường hợp nào, miễn là về nhà trong ngày, tôi có thể đưa ra lời giải thích hợp lý cho bố mẹ. Để đến nơi, tôi phải bắt chuyến tàu tuyến Oda và Saikyou, rồi chuyển sang tuyến Utsu và Ryuoke, tốn tổng cộng 3500 yên cho vé khứ hồi. Đấy là một số tiền không nhỏ nhưng lúc này, không gì quan trọng hơn việc gặp lại Akari.

Hai tuần trước ngày hẹn, tôi dành toàn bộ thời gian rảnh viết một lá thư dài để sau này trao tận tay Akari. Có thể coi đây là lá thư tình đầu tiên tôi viết trong cuộc đời. Thư viết về tương lai tươi sáng mà tôi vẫn hằng mơ tưởng, những quyển sách hoặc bài hát tôi ưa thích, và nhất là, thổ lộ rằng em quan trọng với tôi nhường nào – có lẽ tình cảm ấy đơn thuần chỉ là tình yêu trẻ con nhưng tôi quyết định sẽ sống thật với cảm xúc của mình và bộc bạch càng nhiều càng tốt. Thực tình tôi không nhớ được hết mình đã viết gì, nhưng sơ sơ khoảng tầm tám trang giấy, bởi có quá nhiều điều muốn tâm sự, giãi bày với Akari. Miễn rằng em đọc được lá thư này, mình sẽ có sức mạnh chịu đựng những năm tháng tới tại Kagoshima, tôi thầm nhủ. Bức thư là một mảnh tâm hồn mà tôi những mong được chia sẻ cùng Akari.

Trong suốt thời gian viết thư, đêm nào tôi cũng mơ về em.

Tôi mơ thấy mình hóa thành một chú chim nhỏ. Vỗ mạnh cánh, tôi bay xuyên qua trời đêm, bay qua thành phố san sát nhà cao tầng và ga xe lửa. Cả cơ thể nhỏ bé của tôi rúng động vì hồi hộp và phấn khích, vút bay với tốc độ nhanh hơn gấp trăm lần chạy trên mặt đất, hướng về nơi ước hẹn với người đặc biệt ấy. Bay mãi, bay mãi, cuối cùng tôi trông thấy từ xa một thị trấn bao bọc trong màn ánh sáng rạng ngời, lấp lánh như những vì sao. Cưỡi trên từng cơn gió đêm lồng lộng, từ trên cao nhìn xuống, ánh sáng trên các chuyến tàu vụt qua dọc đường trông như những mạch máu lan tỏa khắp mặt đất. Chỉ một lát sau, tôi thấy mình xuyên qua những đám mây được mặt trăng quét lên một lớp ánh sáng màu xanh huyền ảo, như thể đang bay trên đại dương bao la của một hành tinh xa lạ nào đó. Sức mạnh những tưởng có thể bay đến bất cứ đâu trên thế giới như tuôn chảy khắp người khiến toàn thân tôi run lên vì hạnh phúc. Gần đến nơi hẹn, tôi háo hức nhào xuống. Cảnh vật nơi em sống nhanh chóng trải rộng ra trước mắt. Những cánh đồng ngoại ô rộng bát ngát, những mái nhà thưa thớt, những khoảnh rửng nhỏ rải rác đâu đây và nổi bật hơn hết thảy là một dải sáng chói đang chuyển động thật nhanh. Một chuyến tàu. Rất có thể tôi đã từng đi trên chiếc tàu đó. Trên sân ga, tôi bắt gặp bóng dáng một cô gái đang chờ tàu. Người con gái với mái tóc tém tinh nghịch dài ngang tai, ngồi chờ một mình trên băng ghế gỗ bên cạnh một cây anh đào lớn. Trên tán cây, hoa vẫn chưa hé nụ nhưng sức sống vẫn toát ra từ lớp vỏ cứng cáp. Trong chốc lát, như phát hiện ra sự hiện diện của chú chim, cô gái ngước nhìn lên bầu trời. Sớm thôi Akari, ta sẽ được bên nhau thêm lần nữa…

[1] Ở Nhật, Tiểu học kéo dài từ lớp 1 đến lớp 6 thay vì lớp 1 đến lớp 5 như Việt Nam.

[2] “Ai Ai Gasa” hay “Love-Love Umbrella”, một biểu tượng tình yêu ở Nhật Bản, vẽ một chiếc ô rộng, cán dài,  tên hai người yêu nhau viết ở hai bên cán thay vì vẽ trái tim như ở Việt Nam .

Bình luận (0)Facebook